Doanh nghiệp khai thác quặng sắt “kêu cứu”

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg năm 2012 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Trong đó có quy định về việc cấm xuất khẩu quặng sắt để dành cho việc chế biến sâu trong nước.

Về chủ trương, Chỉ thị này có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ tài nguyên quốc gia và môi trường. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, vì không có thị trường nào khác ngoài tiêu thụ nội địa, các doanh nghiệp khai thác quặng sắt đã ở vào thế đường cùng do bị chính doanh nghiệp luyện kim trong nước ép giá.

Ngày 9/4/2015, Hội Doanh nghiệp khai thác quặng sắt - gồm 8 đơn vị là Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long; Công ty CP Vương Anh; Công ty CP Hà Quang; Công ty TNHH MTV Long Thành Trung; Công ty Phát triển số 1-TNHH MTV; Công ty CP phát triển đầu tư An Khánh; Công ty TNHH XD Lan Anh; Công ty CP Khai khoáng Minh Đức) đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho các DN khai thác quặng sắt.

Trong đó, các doanh nghiệp nêu rõ, do tình trạng bất cập về giá quặng sắt hiện nay mà hầu hết các công ty hoạt động trong lĩnh vực quặng sắt đều rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hẳn.

 

(ảnh minh hoạ).
(ảnh minh hoạ).

 

Nghịch lý giá

Từ giữa năm 2014, giá quặng sắt và giá sắt thế giới đều giảm. Đặc biệt, từ đầu năm 2015, giá hai mặt hàng này “tụt” dốc mạnh. Cụ thể, theo Hội doanh nghiệp khai thác quặng sắt, tại thời điểm ngày 7/4/2015, giá quặng sắt 62% tại các cảng lớn của thế giới khoảng 1,3 triệu đồng/tấn; giá thép cuộn cán nóng khoảng 8,7 triệu đồng/tấn.

Trong lúc giá thép thế giới liên tục giảm mạnh thì giá thép trong nước bán ra gần như không thay đổi trong thời gian dài. Từ đầu năm 2015 đến nay, giá thép trong nước luôn giữ ở mức từ 11 – 12,7 triệu đồng/tấn. Nếu theo tỷ lệ chung của thế giới về giá quặng sắt/thép cán nóng thành phẩm (15%) thì giá quặng sắt 62% sẽ có mức giá thấp nhất là 1,65 triệu đồng/tấn.

Còn ở trong nước, do lệnh cấm xuất khẩu, các doanh nghiệp khai thác quặng sắt Việt Nam chỉ có thể bán cho một số nhà sản xuất thép từ quặng. Chính bởi nỗi khổ “không bán cho tôi thì bán cho ai”, nên các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải chịu tình cảnh bị ép giá đến cùng.

Hội DN khai thác quặng sắt cho biết, theo diễn biến thế giới, một số nhà sản xuất thép từ quặng đã giảm giá mua quặng đầu vào. Trong đó, loại quặng sắt có 63%Fe tại mép nước cầu cảng chỉ có giá là 1,1 triệu đồng/tấn.

Với mức giá này, theo Hội DN, tỷ lệ giá quặng sắt/thép cán nóng thành phẩm bán ra chỉ đạt tỷ lệ chưa tới 9%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của thế giới.

Ông Phạm Lê Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long cho biết, chi phí sản xuất cộng với các loại thuế, phí đã trên 1 triệu đồng/tấn. Chưa kể, chi phí vận chuyển các DN khai thác phải chịu hiện rất cao. 

Ông Hùng nêu ví dụ, nếu chuyển quặng từ mỏ ở Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang về Hải Dương sẽ mất khoảng 400-500 nghìn đồng/tấn; từ Phú Thọ mất hơn 200 nghìn đồng/tấn… Chưa tính đến thuế VAT thì với giá mua hiện nay, các doanh nghiệp khai thác quặng đã lỗ nặng. Bởi vậy, nhiều nhà máy đã phải dừng sản xuất, ảnh hưởng tới hàng nghìn lao động. Ông Hùng chia sẻ, nhà máy của công ty (tại xóm Vị, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã phải tạm dừng hoạt động từ đầu năm 2015.

“Nghịch lý ở chỗ, trong khi ép chúng tôi bán quặng với giá quá thấp thì giá thép bán ra lại không hề giảm. Đầu vào thấp nhưng doanh nghiệp sản xuất thép lại có thể bán thép thành phẩm với giá cao hơn giá thế giới từ 25-45%, thu lợi hàng nghìn tỷ đồng”- ông Hùng bức xúc.

Giảm thuế, phí; “nới” xuất khẩu

Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nằm ở việc doanh nghiệp khai thác quặng sắt hiện không còn thị trường đầu ra ngoài việc tiêu thụ trong nước. Số ít doanh nghiệp được phép xuất khẩu nhưng phải chịu mức thuế xuất khẩu lên tới 40%. Trước tình hình bi đát hiện nay, các doanh nghiệp khai thác quặng sắt kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép được tăng hạn ngạch xuất khẩu và giảm thuế xuất khẩu quặng sắt. 

Bởi lẽ, khi được tăng lượng xuất khẩu, đồng nghĩa với mở rộng thị trường, doanh nghiệp khai thác quặng sẽ không phải chịu cảnh ép giá như hiện nay. Riêng về thuế xuất khẩu quặng sắt, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế suất xuống còn 5% để góp phần tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.

Hiện ngoài thuế xuất khẩu, VAT hay thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp khai thác quặng sắt còn chịu các thuế, phí khác như: phí môi trường, thuế tài nguyên, quỹ phục hồi môi trường, thuế quyền khai thác mỏ… Theo ông Hùng, các mức thuế, phí này về cơ bản rất hợp lý. 

Tuy nhiên, đối với các mỏ quặng nghèo (thành phần TFe 30-35%), thì lại chưa ổn. Bởi lẽ, với các mỏ quặng nghèo, doanh nghiệp phải đầu tư dây chuyền nghiền mịn rồi mới thu được mạt sắt; đầu tư công nghệ xử lý môi trường. Chi phí cho khâu đầu tư này rất cao. 

Từ đó, Hội doanh nghiệp này đề nghị khi tính thuế, phí tại các mỏ quặng nghèo nên trừ chi phí nghiền tuyển. Hiện nay, các thuế, phí được tính trên giá sản phẩm bán ra, mà giá này chưa được tách bạch chi phí khai thác quặng và chi phí nghiền tuyển. “Nếu theo cách tính hiện nay, càng khai thác quặng nghèo - quặng có giá trị kinh tế thấp hơn- thì tiền thuế, phí càng cao”- ông Hùng phân tích. Trong khi đó, tại các mỏ  ở các tỉnh như Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, có đến 80% là quặng nghèo mà nếu không được khai thác thì sẽ gây lãng phí lượng lớn tài nguyên quốc gia.

 

Trước tình thế nguy kịch hiện nay, các doanh nghiệp khai thác quặng sắt kiến nghị Chính phủ cho phép tăng hạn ngạch xuất khẩu để mở rộng thị trường và giảm thuế xuất khẩu… để tháo gỡ khó khăn.

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!